Pháp luật quốc tế về hợp đồng lao động điện tử và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam    
Cập nhật: 29/06/2023 09:35
Xem lịch sử tin bài

Pháp luật quốc tế về hợp đồng lao động điện tử và  bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Dưới tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự bùng nổ của công nghệ thông tin và dịch chuyển lao động toàn cầu, lần đầu tiên pháp luật lao động Việt Nam ghi nhận hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu (sau đây gọi chung là hợp đồng lao động điện tử). Đây là nội dung mới tại Việt Nam, chính vì vậy, việc tìm hiểu pháp luật về hợp đồng lao động điện tử của các quốc gia trên thế giới là rất cần thiết để có thể rút ra bài học kinh nghiệm đáng quý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hợp đồng lao động điện tử ở Việt Nam.
Pháp luật quốc tế về hợp đồng lao động điện tử
Ở một số quốc gia, phương tiện điện tử được sử dụng để giao kết, sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Việc sử dụng hợp đồng lao động điện tử là tiền đề giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nguồn nhân lực và đơn giản hóa quy trình, thủ tục giao kết hợp đồng lao động, đặc biệt góp phần đưa công nghệ số vào hoạt động quản trị của doanh nghiệp.
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, việc giao kết hợp đồng điện tử đã được hợp pháp hóa kể từ khi Luật Hợp đồng được thông qua vào năm 1999, theo đó Trung Quốc ghi nhận thông điệp dữ liệu có thể được sử dụng dưới dạng văn bản để ký kết hợp đồng (Điều 11). Tiếp đó, Trung Quốc đã ban hành Luật Chữ ký điện tử 2004 và Luật Thương mại Điện tử 2006 nhằm thúc đẩy và điều chỉnh các giao dịch điện tử. Tuy nhiên, việc ứng dụng giao dịch điện tử trong quan hệ việc làm mới thực sự phổ biến khi đại dịch Covid-19 bùng nổ vào năm 2020, các doanh nghiệp mong muốn áp dụng hình thức điện tử để giao kết hợp đồng lao động. Điều này đã thúc đẩy Chính phủ Trung Quốc có động thái can thiệp bằng cách ban hành văn bản quy định chi tiết dưới hình thức Công văn và Hướng dẫn. Theo đó, Trung Quốc yêu cầu bắt buộc sử dụng các nền tảng quản lý hợp đồng điện tử có khả năng tiếp cận, chia sẻ và lưu giữ hợp đồng lao động điện tử; đảm bảo quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu; yêu cầu các bên tham gia hợp đồng lao động điện tử sử dụng chữ ký số và dấu thời gian được chứng thực. Ngoài ra, Trung Quốc còn đặt ra một số nghĩa vụ đối với người sử dụng lao động nhằm bảo vệ người lao động (thông báo quy trình, thủ tục và lưu ý khi giao kết hợp đồng điện tử; nghiêm cấm thu các chi phí liên quan đến hợp đồng điện tử; cung cấp cho người lao động một bản in và đóng dấu hợp lệ theo quy định của pháp luật).
Việc làm này của Trung Quốc đã góp phần làm tăng cường tính chắc chắn về mặt pháp lý và đảm bảo sự an toàn giữa các bên tham gia giao kết hợp đồng lao động điện tử. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của hình thức này sẽ hạn chế đáng kể sự tự do và tính linh hoạt của việc giao kết hợp đồng, bao gồm cả sự lựa chọn công nghệ. 
Hoa Kỳ
Pháp luật Hoa Kỳ không có đạo luật riêng để điều chỉnh hợp đồng lao động giao kết thông qua phương tiện điện tử. Trong bối cảnh việc làm, việc hình thành hợp đồng lao động điện tử xuất phát từ hai nguồn: 
Một là, nguyên tắc pháp lý áp dụng chung cho việc hình thành hợp đồng lao động. Theo đó, Hoa Kỳ áp dụng cách tiếp cận thể hiện mức độ tự do cao trong giao kết hợp đồng lao động. Luật liên bang không đặt ra các yêu cầu pháp lý tối thiểu đối với hợp đồng lao động, trong khi đó luật của các tiểu bang thường đặt ra những yêu cầu về hình thức văn bản giao kết hợp đồng lao động. 
Hai là, quy định việc giao kết hợp đồng lao động điện tử xuất phát từ luật giao dịch điện tử chung, đặc biệt là Đạo luật Liên bang về Chữ ký Điện tử trong Thương mại Toàn cầu và Quốc gia, thường được gọi tắt là “Đạo luật Chữ ký Điện tử” và Đạo luật Thống nhất về Giao dịch Điện tử (UETA). Đạo luật Chữ ký Điện tử là luật liên bang điều chỉnh giao dịch giữa các tiểu bang và giao dịch với nước ngoài, còn UETA là một đạo luật thống nhất nhằm điều chỉnh giao dịch điện tử trong một tiểu bang và được hầu hết các tiểu bang ở Hoa Kỳ áp dụng. 
Mô hình của Hoa kỳ ít có sự can thiệp của nhà nước, luật pháp cho phép các bên tự do thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng lao động miễn là không vi phạm bất kỳ quy định nào của liên bang, tiểu bang hoặc cơ quan quản lý lao động ở địa phương và được sử dụng linh hoạt các công nghệ. Do đó, khi tranh chấp việc làm xảy ra thì các tòa án Hoa Kỳ đóng vai trò đặc biệt quan trọng bằng cách tích cực giải thích và thực hiện các nguyên tắc pháp lý được đặt ra trong cả luật nội dung và luật riêng về điện tử trong bối cảnh pháp luật không có các quy định chính thức đối với hình thức hợp đồng lao động điện tử. 
Malaysia
Tương tự như Hoa Kỳ, Malaysia không có các quy định pháp luật riêng điều chỉnh việc hình thành hợp đồng điện tử. Trước hết, việc giao kết hợp đồng lao động điện tử ở Malaysia phải tuân theo các nguyên tắc chung của Đạo luật Việc làm năm 1955, trong đó yêu cầu hợp đồng lao động phải bằng văn bản nếu thời hạn làm việc từ một tháng trở lên. Tuy nhiên, Đạo luật này không yêu cầu chữ ký tươi viết tay hoặc đưa ra bất kỳ yêu cầu nào khác về hình thức của hợp đồng lao động. 
Việc hình thành hợp đồng điện tử ở Malaysia được điều chỉnh bởi luật giao dịch điện tử chung, trong đó phải kể đến Đạo luật Chữ ký số vào năm 1997 và Đạo luật Thương mại Điện tử vào năm 2006. Theo đó, việc ban hành Đạo luật Chữ ký số đã tạo thuận lợi cho các giao dịch điện tử bằng cách thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số thay cho chữ ký tươi viết tay, đặc biệt Đạo luật Chữ ký số quy định bắt buộc phải sử dụng chữ ký số và yêu cầu xác thực bởi chứng thư số được ban hành bởi các tổ chức chứng thực đã được cấp phép bởi Chính phủ nhằm ngăn chặn hành vi giả mạo và xác thực an toàn cho các giao dịch điện tử. Tuy nhiên, sự ra đời của Đạo luật Thương mại Điện tử năm 2006 đã đánh dấu một sự thay đổi so với quy định trước đó bằng cách cho phép các bên tự do giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử mà không giới hạn loại công nghệ cụ thể nào. Đạo luật Thương mại Điện tử cho phép chữ ký điện tử có thể tồn tại dưới bất kỳ hình thức công nghệ nào, chẳng hạn như chỉ đơn giản là tin nhắn SMS. 
Khác với Trung Quốc, pháp luật Malaysia không bắt buộc sử dụng chữ ký số để giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, Malaysia khuyến khích việc sử dụng công nghệ này bằng cách cho phép chữ ký số có hiệu lực pháp lý ngang bằng như chữ ký tươi và dành một số ưu đãi cho chữ ký số và công nghệ chứng thực số. 
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản (Khoản 1 Điều 14). Pháp luật lao động Việt Nam cho phép giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử và không đặt ra quy định cụ thể mà tham chiếu đến pháp luật giao dịch điện tử. Có thể thấy, quy định này cũng tương tự một số quốc gia như Hoa Kỳ, Malaysia. 
Về mặt nội dung, Bộ luật Lao động 2019 quy định tương đối đầy đủ các vấn đề chung của hợp đồng lao động, không có sự khác biệt giữa bản giấy và bản điện tử. Về mặt hình thức, Luật Giao dịch điện tử 2005 đã đề cập tương đối toàn diện các vấn đề liên quan đến hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, sau hơn 16 năm ban hành, một số quy định của Luật đã bộc lộ “khoảng trống” pháp lý như: chưa quy định rõ về chữ ký điện tử an toàn, chưa có hướng dẫn cho các loại chữ ký điện tử khác ngoài chữ ký số; thiếu các quy định về định danh/xác thực điện tử; chưa có quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử và giá trị pháp lý của đề nghị giao kết hợp đồng dưới hình thức điện tử... Do đó, một số vấn đề mới phát sinh trong việc giao kết hợp đồng lao động điện tử đòi hỏi phải được xử lý trong pháp luật về giao dịch điện tử. Chính vì vậy, cần tập trung rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện các quy định còn thiếu sót của pháp luật giao dịch điện tử để tháo gỡ vướng mắc về hình thức điện tử trong quá trình giao kết hợp đồng lao động nói riêng và hợp đồng điện tử nói chung trong thời gian tới./.

ThS. Chu Bích Ngọc - Cục Quan hệ lao động và Tiền lương

Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang

© 2017 Bản quyền của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương

Địa chỉ: 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (043) 556 4584 Fax: (043) 556 4584