Quy định pháp luật về chính sách lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước    
Cập nhật: 22/06/2023 10:47
Xem lịch sử tin bài

Quy định pháp luật về chính sách lao động dôi dư  khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước
Ngày 29/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2022/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty TNHH 1TV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (thay thế Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2015 của Chính phủ) có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2023. Các quy định về chính sách đối với người lao động dôi dư tại Nghị định đã bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; tạo điều kiện giúp người lao động ổn định cuộc sống sau khi thôi việc, mất việc; đồng thời, hỗ trợ tích cực cho việc sắp xếp hiệu quả doanh nghiệp nhà nước phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.

Nghị định bao gồm 4 chương,14 Điều với phạm vi điều chỉnh quy định chính sách đối với người lao động dôi dư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm: công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; công ty độc lập) khi thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo những hình thức: cổ phần hóa, bán; chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chuyển thành đơn vị sự nghiệp; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách; giải thể, phá sản. Đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm: người lao động dôi dư, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và bổ sung đối tượng áp dụng là doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại và cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại.

Các chính sách đối với người lao động dôi dư chủ yếu kế thừa Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và sửa đổi tuổi nghỉ hưởng lương hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường từ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ lên đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi với nữ vào năm 2035 theo lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; sửa đổi cách tính khoản tiền hỗ trợ thêm cho người lao động dôi dư từ hệ số nhân với mức lương cơ sở sang hệ số nhân với mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, bao gồm:

Thứ nhất, đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21 tháng 4 năm 1998 (đối với trường hợp sắp xếp doanh nghiệp theo hình thức cổ phần hóa, bán; chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chuyển thành đơn vị sự nghiệp; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách) hoặc trước ngày 26 tháng 4 năm 2002 (đối với trường hợp giải thể, phá sản doanh nghiệp), tùy theo từng trường hợp cụ thể mà người lao động được hưởng một trong các chế độ sau:

- Người lao động dôi dư có tuổi thấp hơn từ đủ 01 tuổi đến đủ 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên được hưởng lương hưu mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và được hưởng thêm trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, hỗ trợ một khoản tiền bằng 0,4 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

- Người lao động dôi dư có tuổi thấp hơn dưới 01 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổivà được hỗ trợ một khoản tiền bằng 0,2 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng bảo hiểm xã hội.

- Người lao động dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí.

- Người lao động dôi dư không đủ điều kiện hưởng các chế độ trên thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng trợ cấp mất việc làm theo Điều 47 Bộ luật Lao động, được một khoản tiền bằng 0,05 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗinăm làm việc tại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại (đối với doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo hình thức cổ phần hóa, bán; chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chuyển thành đơn vị sự nghiệp; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách công ty) hoặc được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 46 Bộ luật Lao động và được hỗ trợ một khoản tiền bằng 0,2 tháng tiền lương cho mỗi năm làm việc tại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại (đối với doanh nghiệp giải thể, phá sản)

Thứ hai, đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21 tháng 4 năm 1998 hoặc ngày 26 tháng 4 năm 2002 trở về sau thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng trợ cấp mất việc làm theo Điều 47 Bộ luật Lao động (đối với doanh nghiệp thực hiện sắp xếp theo hình thức cổ phần hóa, bán; chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chuyển thành đơn vị sự nghiệp; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách công ty) hoặc được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 46 Bộ luật Lao động (đối với doanh nghiệp giải thể, phá sản)

Thứ ba, đối với người đại diện phần vốn của doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại được hưởng chế độ tương ứng với người lao động dôi dư đối với thời gian làm việc tại doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại.

Về nguồn kinh phí thực hiện chính sách được kế thừa quy định của Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và sửa đổi cho phù hợp với Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp, cụ thể:

- Nguồn kinh phí thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư và người đại diện phần vốn của doanh nghiệp được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21 tháng 4 năm 1998 hoặc trước ngày 26 tháng 4 năm 2002 từ tiền bán cổ phần lần đầu, bán doanh nghiệp đối với doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, bán hoặc từ ngân sách nhà nước đối với trường hợp chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách hoặc từ các khoản thu giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp thực hiện giải thể, phá sản; trường hợp không đủ thì được bổ sung từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP.  

- Nguồn kinh phí thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư và người đại diện phần vốn của công ty được tuyển dụng lần cuối cùng từ ngày 21 tháng 4 năm 1998 hoặc ngày 26 tháng 4 năm 2002 trở về sau được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại đối với doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, bán, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách hoặc từ các khoản thu giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp thực hiện giải thể, phá sản; trường hợp không đủ thì được bổ sung từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP./.

ThS. Chu Bích Ngọc, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương



Về trang trước Bản in Gửi email Về đầu trang

© 2017 Bản quyền của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương

Địa chỉ: 12 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: (043) 556 4584 Fax: (043) 556 4584